Chuyển tới nội dung
Trang chủ » Blog » Dị ứng với trứng gà (phần 2 – hết)

Dị ứng với trứng gà (phần 2 – hết)

Đọc lại phần 1 tại đây.

Khi nào nên tìm tới sự trợ giúp của bác sĩ

Đi khám bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng dị ứng thực phẩm ngay sau khi ăn trứng hoặc ăn thức ăn có chứa trứng. Hãy đến gặp ngay bác sĩ ngay khi phản ứng dị ứng trứng đang xảy ra. Điều này giúp chẩn đoán chính xác hơn.

Photo by Karolina Grabowska

Nếu bạn hoặc con bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ, hãy cấp cứu ngay lập tức và sử dụng bút tiêm nếu được bác sĩ kê đơn.

Nguyên nhân

Hệ miễn dịch phản ứng quá mức gây ra dị ứng thực phẩm. Đối với trường hợp dị ứng trứng, hệ miễn dịch xác định nhầm 1 số protein trong trứng là có hại. Khi cơ thể bạn hoặc con bạn tiếp xúc với protein của trứng, tế bào hệ miễn dịch (kháng thể) nhận diện chúng và báo hiệu hệ miễn dịch giải phóng histamine và các hoá chất khác gây ra các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng.

Hệ miễn dịch cơ thể người

Cả lòng đỏ và lòng trắng trứng đều chứa protein gây ra dị ứng trứng. Thường dị ứng bởi lòng trắng trứng xảy ra phổ biến hơn. Trẻ sơ sinh đang bú mẹ có thể có phản ứng dị ứng với protein trứng có trong sữa mẹ nếu người mẹ ăn trứng.

Nhân tố gây rủi ro

Một số nhân tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển dị ứng trứng:

  • Viêm da dị ứng: trẻ em bị viêm da dị ứng (Atopic Dermatitis) có nhiều khả năng bị dị ứng thực phẩm hơn những trẻ không có vấn đề về da.
  • Lịch sử gia đình: bạn có nguy cơ cao bị dị ứng thực phẩm nếu có cha hoặc mẹ hoặc cả cha-mẹ bị hen suyễn, dị ứng thực phẩm hoặc một kiểu dị ứng khác, ví dụ như dị ứng với phấn hoa (hay-fever), phát ban hoặc chàm bội nhiễm (eczema).
  • Tuổi tác: dị ứng trứng xảy ra phổ biến trở trẻ em. Khi trưởng thành, hệ tiêu hoá được phát triển hoàn thiện nên các phản ứng dị ứng với thực phẩm ít xảy ra hơn.

Biến chứng

Biến chứng đáng kể nhất của dị ứng trứng là phản ứng dị ứng nghiêm trọng cần phải tiêm Epinephrine và chuyển sang phòng cấp cứu.

Phản ứng tương tự của hệ miễn dịch gây ra dị ứng trứng cũng có thể gây ra các tình trạng khác. Nếu bạn hoặc con bạn bị dị ứng trứng, bạn hoặc con bạn có thể tăng các nguy cơ:

  • Dị ứng với các loại thực phẩm khác như sữa, đậu nành hoặc đậu phộng
  • Dị ứng với lông thú cưng, mạt bụi hoặc phấn hoa
  • Phản ứng da dị ứng như viêm da dị ứng
  • Hen suyễn, do đó làm tăng nguy cơ phản ứng dị ứng nghiêm trọng với trứng hoặc các thực phẩm khác

Phòng ngừa

Dưới đây là điều bạn có thể làm để tránh phản ứng dị ứng và ngăn nó trở nên trầm trọng hơn nếu xảy ra:

Vòng tay dị ứng
  • Đọc kỹ thông tin trên nhãn thực phẩm. Một vài người phản ứng với thức ăn dù chỉ chứa 1 lượng trứng rất nhỏ.
  • Thận trọng khi đi ăn ngoài. Nhân viên phục vụ hoặc thậm chí đầu bếp có thể không chắc liệu món ăn có chứa trứng hay không.
  • Đeo vòng tay hoặc vòng cổ dị ứng. Việc này đặc biệt quan trọng nếu bạn hoặc con bạn xảy ra phản ứng nghiêm trọng và không thể nói cho người chăm sóc hoặc những người khác biết chuyện gì đang xảy ra.
  • Cho người chăm sóc con bạn biết về chứng dị ứng trừng của con bạn. Chia sẻ thông tin đó với người trông trẻ, giáo viên, người thân hoặc những người chăm sóc khác của con bạn về tình trạng dị ứng trứng để họ không vô tình cho con bạn ăn thức ăn có chứa trứng. Hãy đảm bảo họ hiểu những gì cần phải làm khi xảy ra trường hợp khẩn cấp.
  • Nếu bạn đang cho con bú, hãy hạn chế ăn trứng. Nếu con bạn bị dị ứng trứng, em bé có thể phản ứng với protein trứng có trong sữa mẹ.

Nguồn chứa trứng tiềm ẩn khó nhận thấy

Thật không may là ngay cả khi thực phẩm được dán nhãn “không chứa trứng”, nó vẫn có thể chứa 1 số protein trứng. Nếu nghi ngờ, hãy liên hệ với nhà sản xuất.

Thực phẩm có chứa trứng có thể bao gồm:

  • Kẹo dẻo Marshmallows
  • Mayonnaise
  • Meringue – bánh ngọt làm từ lòng trắng trứng và đường
  • Đồ nướng
  • Thực phẩm tẩm bột
  • Bánh hạnh nhân
  • Thịt đã chế biến, bánh mì thịt và thịt viên
  • Bánh pudding và sữa trứng
  • Nước chấm salad
  • Nhiều loại mì pasta
  • Bọt trên cà phê loại đặc sản có cồn
  • Bánh quy

Một số thuật ngữ chỉ ra thực phẩm từ trứng đã được sử dụng trong quá trình chế biến bao gồm:

  • Albumin
  • Globulin
  • Lecithin
  • Livetin
  • Lysozyme
  • Vitellin
  • Các từ bắt đầu bằng “ova” hoặc “ovo,” ví dụ ovalbumin hoặc ovoglobulin

Một nguồn tiềm ẩn khác là nhiễm chéo trong các món ăn hoặc bữa ăn chuẩn bị sẵn tại nhà, đặc biệt là khi bạn ăn ở nhà người khác nơi mà họ không nhận thức được nguy cơ.

Vắc xin và dị ứng trứng

Một số loại vắc xin chứa protein từ trứng. Những vắc xin này có nguy cơ gây ra phản ứng dị ứng ở 1 số người.

  • Vắc xin ngừa Sởi – Quai Bị – Rubella (MMR) được xem là an toàn với trẻ em có dị ứng với trứng, mặc dù trứng được dùng để sản xuất ra loại vắc xin này.
  • Vắc xin ngừa cúm thỉnh thoảng chứa 1 lượng nhỏ protein trứng. Tuy nhiên các loại vắc xin cúm không chứa protein trứng được chấp thuận tiêm cho người lớn từ 18 tuổi trở lên. Thậm chí những vắc xin có chứa protein trứng cũng được xem là an toàn khi tiêm cho hầu hết người bị dị ứng với trứng mà không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng. Nếu bạn hoặc con bạn từng có phản ứng với trứng trước đây, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi trước khi tiêm.
  • Vắc xin ngừa sốt vàng da có thể gây ra phản ứng dị ứng ở 1 số người bị dị ứng trứng. Những du khách khi đến các quốc gia có nguy cơ mắc bệnh sốt vàng da cao thường được yêu cầu tiêm vắc xin này khi nhập cảnh. Vắc xin này thường không được khuyến khích khi tiêm cho những người bị dị ứng với trứng, nhưng đôi khi vẫn được chỉ định tiêm dưới sự giám sát y tế sau khi được xét nghiệm phản ứng.

Các loại vắc xin khác nói chung không rủi ro đối với người bị dị ứng trứng. Nếu bạn muốn chắc chắn an toàn, hãy cứ trao đổi với bác sĩ. Nếu bác sĩ của bạn lo ngại về 1 loại vắc xin nào đó, họ sẽ yêu cầu xét nghiệm bạn hoặc con bạn để xem vắc xin đó có gây ra phản ứng hay không.

Nguồn dịch: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/egg-allergy/symptoms-causes/syc-20372115

Chuyên mục: